Hàng trăm công nhân, các doanh nghiệp làm gạch đã tập trung tại khu vực trụ sở ban tiếp công dân tỉnh Bình Dương để chờ đợi một câu trả lời rõ ràng từ phía chính quyền tỉnh đối với vấn đề này.
Tuy nhiên kết thúc buổi đối thoại, hàng trăm người dân đã phải ôm nỗi bức xúc về nhà, có người không giấu được nước mắt….
Doanh nghiệp bị dồn vào cảnh phá sản vì “chủ trương riêng” của tỉnh
Trước đó, theo các hồ sơ và đơn thư của công dân, từ năm 2002, các doanh nghiệp sản xuất gạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, quyết định ưu đãi đầu tư và có kê khai nộp thuế.
Từ năm 2009, các doanh nghiệp dần chuyển đổi mô hình từ đun đốt gạch thủ công sang đun đốt gạch theo công nghệ lò Hoffman.
Hàng trăm người dân tập chung tại khu vực ban tiếp dân tỉnh Bình Dương chờ đợi những động thái tích cực từ phía Chính quyền tỉnh. |
Nói về vấn đề này, một chủ lò gạch khẳng định: Việc có người xây lò Tuynel, có người lại xây lò Hoffman là thể hiện năng lực đầu tư của người đó. Lò Tuynel dành cho những nhà đầu tư lớn, lò Hoffman là dành cho những nhà đầu tư vừa và nhỏ.
Còn chiếu theo chủ trương của Chính Phủ thì cả lò Tuynel và Hoffman đều được tiếp tục hoạt động theo lộ trình, ít nhất thì cũng phải đến năm 2020 mới phải dừng hoạt động để chuyển đổi.
Bên cạnh đó, việc chúng tôi xây dựng lò Hoffman không phải là xây mới mà là sự chuyển đổi từ lò thủ công sang công nghệ Hoffman. Trước đó chúng tôi đã có sẵn giấy phép, có sẵn cơ sở vật chất. Việc chuyển đổi này nhằm mục đích giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao năng suất lao động.
Thế nhưng cho đến nay, sau 5 năm chuyển đổi, trong khi nhiều cơ sở còn chưa kịp thu hồi vốn thì chính quyền tỉnh Bình Dương đã ép chúng tôi phải đập bỏ lò Hoffman để chuyển sang xây dựng lò theo công nghệ Tuynel, kèm theo đó là phải ký cam kết đến năm 2020 sẽ dừng hoạt động.
Điều này chẳng khác nào là dồn chúng tôi vào con đường phá sản, nợ cũ trả chưa xong đã phải chồng thêm nợ mới.
Phân tích về quyết định cưỡng chế của chính quyền tỉnh Bình Dương, đại diện cho một số chủ lò gạch chỉ ra: Khi chuẩn bị cưỡng chế thì họ nói là phải phá dỡ vì lò gây ô nhiễm, thế nhưng, cuối cùng, chính quyền lại cưỡng chế chúng tôi vì cái quyết định nói là xây không phép, sai quy hoạch.
Cái quyết định xử phạt xây không phép đã hết hiệu lực pháp lý để ra quyết định cưỡng chế từ hàng năm trời nay, vậy mà bây giờ chính quyền tỉnh lại dựa vào quyết định xử phạt đó để cưỡng chế phá dỡ chúng tôi. Đây là một cái sai rất nghiêm trọng, cần sự soi xét kỹ lưỡng từ các cơ quan trung ương khi giải quyết vụ việc.
Quay trở lại nội dung tại buổi đối thoại giữa người dân và UBND tỉnh Bình Dương vào sáng ngày 28/1/2016, khi phát biểu ý kiến, đại diện một cơ sở sản xuất gạch hoffman không giấu được nỗi bức xúc: “Đề nghị bên tỉnh phải thương chúng tôi, Đồng Nai cho xây dựng lò Hoffman, Bình Thuận cũng cho xây dựng lò Hoffman thì vì sao tỉnh Bình Dương lại không cho chúng tôi làm. Còn có mấy tháng nữa là tết, vậy mà tỉnh lại cắt điện, như cắt đường máu của người dân”.
Sau cuộc gặp này, dư luận và các cơ quan hữu trách cần có cái nhìn, khách quan, chính xác hơn về vụ việc. |
“Công nhân đói khổ, con cái thất học thì làm sao bồi thường được”
Phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương cho rằng: công nghệ lò Tuynel kiểm soát được quá trình đốt, nhiên liệu đốt dẫn tới việc phát thải ra môi trường là có thể khống chế được ở mức độ cho phép, còn công nghệ lò Hoffman thì phát sinh nhiều khí thải, phát sinh khí CO, không kiểm soát được mức độ ô nhiễm.
Trao đổi với PV về vấn đề này, vị đại diện cho các cơ sở gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho biết: Phát biểu của ông Nguyễn Hồng Nguyên là cảm tính, thiếu khách quan, không dựa trên cơ sở khoa học, không dựa trên cơ sở pháp luật.
Đại diện Hoffman tiếp tục, Văn bản số 896/BXD-VLXD ngày 1/6/2012 của Bộ Xây dựng nêu rõ: “Với lò vòng, lò vòng cải tiến (hay còn gọi là lò Hoffman) không sử dụng nguyên liệu hóa thạch, mà sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp (trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều…), tùy điều kiện của từng địa phương có thể cho phép tồn tại”.
Trên thực tế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo công nghệ Hoffman đều đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm, về tiêu chuẩn môi trường đồng thời tận dụng được tất cả các nguyên liệu là phế thải rất sẵn có tại địa phương như mùn cưa, trấu, vỏ hạt điều, vỏ cà phê…, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm giá thành sản phẩm.
Còn về lò Tuynel sử dụng nhiên liệu hóa thạch là than đá thì bất cứ ai cũng đều hiểu sự độc hại và ô nhiễm rất lớn của loại nhiên liệu này.
Trước những vấn đề rất cấp thiết mà người dân cũng như đại diện các cơ sở sản xuất gạch nêu ra, ông Mai Hùng Dũng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phân bua: Bình Dương đang phát triển theo hướng đô thị, phấn đấu trước năm 2020 Bình Dương là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương.
Hiện nay, quyết định phê duyệt quy hoạch kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương thì Thủ tướng đã phê duyệt. Cho nên, để làm cái đô thị phát triển thì phải rất là hạn chế làm các cái lò gạch…
Mong các anh chị thông cảm cho. Giai đoạn này, tôi nói thật với các anh chị là phải giữ nguyên như những cái hiện trạng hiện nay, không được khôi phục sản xuất, tại vì ở cục III chỗ a Đồng (Cục giải quyết KNTC và Thanh tra khu vực III, thuộc Thanh tra Chính Phủ – PV) có bảo là giữ nguyên cái hiện trạng đó chờ ý kiến chính phủ
Ông Mai Hùng Dũng nói thêm: Cũng xin thưa với các anh chị, tôi là người nhà nước, tôi chỉ muốn làm như thế nào cho đúng các quy định của nhà nước.… nếu tôi làm sai thì hiện nay có luật bồi thường nhà nước để xem xét xử lý.
Trao đổi với PV về câu trả lời nêu trên của vị đại diện UBND tỉnh Bình Dương, một chủ cơ sở sản xuất gạch Hoffman khẳng định: Ngày trước, khi vụ việc còn đang chờ Chính phủ giải quyết, chúng tôi vẫn còn đang sản xuất bình thường, hàng ngàn lao động vẫn có việc làm hàng ngày.
Nếu giữ nguyên hiện trạng phải là hiện trạng lúc đó. Chứ bây giờ họ cho người đến cắt điện, cưỡng chế, đập phá hết. Đập phá xong cho đến khi chúng tôi và người lao động lâm vào cảnh dở sống dở chết thì họ lại nói là giữ nguyên hiện trạng. Họ làm như vậy có khác nào cố tình ép chúng tôi vào cảnh phá sản, còn công nhân thì đói khổ vì mất việc làm.
Nói về tình trạng đời sống của các công nhân hiện nay, một chủ lò gạch tâm tư: Dù ông Phó chủ tịch tỉnh nói rằng: “nếu tôi làm sai thì đã có luật bồi thường nhà nước”. Thế nhưng chúng tôi mong ông hiểu rằng, những đói khổ của người dân hiện nay thì làm sao mà bù đắp được. Rồi có người thì bố mẹ già đau yếu, con cái thất học… những hệ lụy đó, có ai bồi thường bù đắp nổi không.
Chia sẻ nỗi bức xúc của người dân, luật sư Nguyễn Văn Kiệm (người bảo vệ quyền lợi cho một số chủ lò gạch Hoffman) cũng cho rằng: với những chủ trương, chỉ đạo từ trung ương thì đúng ra chính quyền tỉnh Bình Dương cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động cho đến khi có quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính Phủ. Đó mới là giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Chứ không thể để họ ôm đống đổ nát chờ sự giải quyết của Trung ương được.
Theo Nguyên Khoa-http://www.phapluatplus.vn
>>>> Xem Thêm:
TƯ VẤN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ XÂY LÒ VÀ XÂY ỐNG KHÓI LÒ VÒNG HOFFMAN
Đi đầu về chuyển giao công nghệ robot xếp gạch và công nghệ lò xoay di động tuynel tại Việt Nam
Cam kết mang lại cho khách hàng- chủ đầu tư công nghệ mới nhất, thiết kế mới nhất, hiệu quả đầu tư cao nhất, dịch vụ sau bán hàng tốt nhất
Cam kết bảo hành, bảo trì, cung cấp thiết bị chính hãng 24/7 trên khắp Việt Nam. Cung cấp và xử lý các sự cố bảo hành trong vòng 24h với đội ngũ kỹ thuật lành nghề
QUÝ KHÁCH QUAN TÂM ĐẦU TƯ MỚI HOẶC NÂNG CẤP CHUYỂN ĐỔI SANG CÔNG NGHỆ TUYNEl
LIÊN HỆ TƯ VẤN NGAY HOẶC ĐỂ LẠI SỐ ĐIỆN THOẠI CHÚNG TÔI SẼ GỌI LẠI NGAY!!!
CTY TNHH CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ VÀ THIẾT BỊ H.I.S
Hotline:0989.382.888-0926.73.6886
DC: Thanh Xuân, Hà Đông, Hà Nội
Mail:info.hisgroup@gmail.com